Nghị định về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đã hết hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc từ ngày 1/1/2023, thuế VAT sẽ trở về mức trước ngày 1/2/2022, tức nhiều mặt hàng sẽ không được giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% nữa.
Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15, trong đó có hướng dẫn giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2/2022. Theo đó, một loạt nhóm hàng hóa đã được thực hiện giảm thuế VAT thêm 2% trong năm 2022. Vốn là loại thuế gián thu, nhưng vì là một trong những loại thuế phổ biến nhất, áp dụng đối với hầu hết sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh từ quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng và được nộp vào ngân sách Nhà nước theo mức độ tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ, nên thuế VAT được cộng vào giá bán hàng hoá, dịch vụ và do người tiêu dùng chịu khi mua hàng hoá, sử dụng dịch vụ. Vì thế, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hậu dịch bệnh, việc giảm thuế VAT được cho là sẽ giúp hạ trực tiếp giá thành sản phẩm, dịch vụ kích thích tiêu dùng nhiều hơn, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Khi Nghị định được thực thi, không ít DN gặp khó khăn do quá trình triển khai thiếu đồng nhất. Nhưng, vượt qua những vướng mắc ban đầu, việc giảm thuế VAT đã được thực hiện và mang lại nhiều kết quả khả quan. Theo tính toán của Bộ Tài chính, với chính sách giảm thuế VAT, thu ngân sách Nhà nước năm 2022 giảm khoảng 49.400 tỉ đồng. Tuy nhiên, sự tích cực mà nó mang lại lớn hơn nhiều, khi toàn bộ xã hội đã được hưởng lợi từ chính sách thiết thực này. Giá đầu vào giảm giúp DN trực tiếp tiết giảm được chi phí, có thêm vốn để tái đầu tư, tăng khả năng mở rộng sản xuất. Giá đầu ra giảm, tuy DN không được lợi trực tiếp nhưng lại thu lợi gián tiếp nhờ cơ hội gia tăng doanh số, đẩy mạnh quy mô kinh doanh. Bởi vậy, về lý thuyết, giảm thuế VAT là giảm thu ngân sách, nhưng nhờ các tác động tích cực từ chính sách này và áp dụng thêm các biện pháp khác, thu ngân sách hiện đã dôi ra trên 270.000 tỉ, vượt xa con số hụt thu do giảm thuế VAT.
Lợi ích là thế, song theo quy định tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP, chính sách giảm thuế VAT chỉ có hiệu lực từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022- điều này đồng nghĩa sau ngày 31/12/2022, chính sách giảm thuế VAT sẽ hết hiệu lực và trở lại như cũ. Hiện nay, vẫn chưa có quy định nào mới thay thế, nên từ ngày 1/1/2023, thuế VAT sẽ không được giảm 2% nữa. Tổng cục Thuế cũng đã có văn bản hướng dẫn các Cục thuế địa phương thực hiện theo đúng quy định. Được biết, nhiều hiệp hội đã có văn bản kiến nghị giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2023. Các hiệp hội cho rằng việc kéo dài chính sách giảm VAT 2% sẽ giúp DN có cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc xem xét gia hạn chính sách giảm thuế suất thuế VAT, Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) cho biết, dù đối mặt với khó khăn, thách thức nhưng trong năm 2022, các DN chế biến lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh vẫn cố gắng duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống cho người lao động; cung ứng đầy đủ thực phẩm thiết yếu cho xã hội, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đó là nhờ Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những chỉ đạo và chính sách hỗ trợ kịp thời, đặc biệt chính sách giảm thuế VAT 2% áp dụng từ ngày 1/2-31/12/2022 đã phát huy hiệu quả cao, tác động nhanh và trực tiếp tới DN và người tiêu dùng. Để hỗ trợ DN tiếp tục phục hồi, FFA kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% đến 31/12/2023.
Tương tự, Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng cho rằng, năm 2022, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, cùng với đó là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ thông qua chính sách giảm thuế VAT, các DN trong ngành đã có dấu hiệu phục hồi tích cực. Việc giảm thuế VAT được coi là biện pháp trợ lực tài chính mạnh mẽ của Chính phủ đối với nền kinh tế, tạo động lực tốt cho sự phục hồi của DN, khuyến khích tiêu dùng. Bởi vậy, trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, VBA đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài thời gian giảm thuế VAT 2% đến hết 31/12/2023, có thể xem xét áp dụng đối với tất cả DN.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, đây là chính sách triển khai nhanh, DN hưởng lợi trực tiếp mà không cần quy trình, thủ tục phức tạp hoặc đợi phê duyệt hồ sơ. “Trong bối cảnh tình hình kinh tế chính trị thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp và triển vọng 2023 không mấy khả quan, nhiều DN Việt Nam đang trông chờ vào các chính sách điều hành, hỗ trợ hoạt động kinh doanh từ phía Chính phủ, một trong những chính sách cần tiếp tục thực hiện trong năm nay, đó là hoạt động giảm thuế VAT 2%”, ông Tuấn góp ý. Được biết, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ DN đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19, như: Chính sách giảm 2% thuế VAT, chính sách giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ…
**Theo báo CAND
- Nên đầu tư cho “Phúc lợi” hay “Tiền lương” cho Nhân viên?
- 10 Xu hướng Công nghệ Nhân sự 2024 [P1]
- Làm Thế Nào Để Nhân Viên Tự Giác Trong Công Việc?
- Bí quyết quản lý nhân sự Gen Z trong thời đại mới
- Quy trình vận hành doanh nghiệp là gì? Các bước xây dựng quy trình vận hành cho doanh nghiệp
- 7 bước xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp nhỏ và startup