Người lao động luôn rất quan tâm đến các chính sách Tiền lương và phúc lợi mà họ được nhận khi làm việc như một phần thưởng xứng đáng cho công sức đã bỏ ra, tiền lương và phúc lợi càng nhiều sẽ càng làm họ hạnh phúc. Riêng đối với doanh nghiệp, ngân sách cho hai hạng mục này lại được coi là một khoản đầu tư, mà một khi đã đầu tư thì phải có chiến lược hợp lí và phải sinh lời. Vậy, việc đầu tư vào Tiền lương hay Phúc lợi cho nhân viên, đâu sẽ là một khoản đầu tư mang lại hiệu quả tối ưu?
Phúc lợi nhân viên là gì? Tiền lương là gì?
Bộ luật Lao Động Việt Nam quy định: “Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác”. Khi trả lương, doanh nghiệp phải trả bảng kê lương chi tiết cho người lao động.
Phúc lợi nhân viên, hay còn gọi là phúc lợi người lao động, được hiểu là nhiều loại hình hỗ trợ thêm của doanh nghiệp, nhưng không bao gồm tiền lương, bao gồm các loại phúc lợi bắt buộc như các loại bảo hiểm, trợ cấp từ Nhà Nước theo quy định pháp luật (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ngày phép tiêu chuẩn, …); và các loại phúc lợi tự nguyện tùy theo điều kiện của doanh nghiệp.
Từ lâu, các hạng mục trong phúc lợi tự nguyện, bên cạnh mức lương được xem xét theo vị trí và năng lực làm việc, đã được xem là một trong những “thước đo” trong tiêu chí đánh giá một công ty hấp dẫn đối với người tìm việc. Thông thường, chi phí cho hai hạng mục này sẽ được trích xuất từ Quỹ Lương và Phúc lợi chung của doanh nghiệp. Trong mọi thời đại, các khoản chi phí luôn là một trong những vấn đề đau đầu của các nhà quản trị, đặc biệt với tình hình kinh tế ngày một cạnh tranh trong những năm gần đây, và còn nhiều thử thách trong bối cảnh Covid-19 chưa thể lường trước được.
Lợi ích khi doanh nghiệp đầu tư vào Tiền lương cho nhân viên
Tiền lương gần như được xem là yếu tố tiên quyết hàng đầu của người lao động trong việc chọn lựa một công việc. Nếu như phúc lợi nhân viên được xem là “thước đo” của một công ty tốt, thì tiền lương được xem là “thước đo” của một người đi làm, vì thông thường mức lương được hưởng theo năng lực. Đầu tư vào tiền lương cho các vị trí, đặc biệt là vị trí cần nhân lực trình độ cao, được xem là một sự đầu tư cần phải có để công ty có những nhân tài để phát triển các hoạt động của doanh nghiệp.
Lợi ích khi doanh nghiệp đầu tư vào Phúc lợi nhân viên
Phúc lợi nhân viên là một trong các mối quan tâm hàng đầu của người lao động, và cũng là yếu tố quan trọng thu hút nhân tài của doanh nghiệp. Một số phúc lợi nhân viên không bắt buộc thường thấy như: có thêm ngày phép (được nhận lương và không được nhận lương), chia sẻ cổ tức (lợi nhuận), bảo hiểm khám chữa bệnh cao cấp, trợ cấp ăn uống, đi lại, cung cấp trang thiết bị làm việc mới và hiện đại, … đã và đang dần trở nên quen thuộc và gần như là các phúc lợi “phải có” với những lao động trình độ cao ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Điều này vô hình chung tạo nên một sức ép cũng như một đòn bẩy dành cho doanh nghiệp: Nếu công ty chi tiêu cho ngân sách ở mục này nhiều để đảm bảo chế độ phúc lợi tốt cho người lao động, chắc hẳn sẽ thu hút được các nhân tài tận tâm cho công việc và cống hiến cho công ty. Vậy bài toán đặt ra là, nếu công ty không đầu tư cho mục này thì sao?
Còn đối với người lao động, tất nhiên họ sẽ rất mong chờ một công ty có nhiều phúc lợi nhân viên tốt, vì họ được mang đến cảm giác an toàn, được công ty chăm sóc. Giả dụ như “trong những lần phải chạy deadline”, nhân viên phải cần làm thêm ngoài giờ thì một điều khoản nhận được “phụ cấp tăng ca” cũng là một chút ấm lòng khiến họ cảm thấy an tâm và tập trung cho công việc của họ. Người lao động cũng biết rõ, phúc lợi mang lại cho họ nhiều lợi ích bên cạnh mức lương, cũng ngầm hiểu họ phải cống hiến thêm cho công ty, chí ít thì dễ chịu hơn trong tâm lý. Ban quản trị doanh nghiệp có những chính sách phúc lợi nhân viên tốt mang lại những người nhân viên tận tụy và trung thành, giảm chi phí cho các hoạt động tuyển dụng (đối với các vị trí thay thế), nâng cao tinh thần làm việc và gắn kết giữa các nhân viên với nhau.
Giữa Phúc lợi nhân viên và Tiền lương, đâu mới là sự lựa chọn đầu tư hợp lý hơn?
Nhìn lướt qua, doanh nghiệp thông thường phải có nghĩa vụ với 3 hạng mục thuế liên quan đến các khoản chi cho phúc lợi nhân viên: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Với nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp: các khoản chi phúc lợi hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và cần đầy đủ các hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật. Nếu doanh nghiệp chi cho các khoản có tính chất phúc lợi vượt quá một tháng lương bình quân thực tế trong năm tính thuế thì phần vượt thêm đó sẽ không được tính là chi phí hợp lý.
Đối với thuế giá trị gia tăng, theo Công văn 4005/TCT-CS, doanh nghiệp được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các khoản chi phúc lợi tương ứng với các khoản được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nêu trên, và đáp ứng được các điều kiện về khấu trừ theo quy định.
Đối với thuế thu nhập cá nhân, nếu khoản phúc lợi này ghi rõ tên của người lao động được hưởng, hoặc trả bằng tiền mặt cho người lao động đó, thì sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động. Nếu các khoản này không ghi tên người lao động được hưởng mà chi chung cho toàn công ty thì sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động (Thông tư 111/2013/TT-BTC).
Như vậy, việc chi tiêu cho phúc lợi nhân viên và tiền lương nếu không cân nhắc kỹ về hình thức và cách thực hiện các khoản chi, doanh nghiệp và người lao động rất có thể sẽ phải có thêm các chi phí phát sinh để hoàn thành nghĩa vụ thuế, hoặc giá trị thực nhận về phúc lợi đã giảm đi một phần.
Hy vọng những chia sẻ trên đã phần nào giúp các nhà quản trị doanh nghiệp có cái nhìn bao quát về vấn đề liên quan đến lợi ích khi đầu tư phúc lợi nhân viên hay tiền lương sao cho hợp lý nhất.
- Nên đầu tư cho “Phúc lợi” hay “Tiền lương” cho Nhân viên?
- 10 Xu hướng Công nghệ Nhân sự 2024 [P1]
- Người lao động rút bảo hiểm một lần có xu hướng giảm đầu năm 2024
- Hướng dẫn quyết toán thuế TNCN online năm 2024
- Hiểu Sâu Hơn về Xu hướng Tuyển dụng: Phân Tích Các Xu Hướng Tuyển Dụng Hiện Nay và Tương Lai
- Quy trình vận hành doanh nghiệp là gì? Các bước xây dựng quy trình vận hành cho doanh nghiệp