Doanh nghiệp nhỏ lo bán hàng tốt là được, làm thương hiệu để mai tính? Thực tế thì xây dựng thương hiệu không chỉ là câu chuyện dành cho các “ông bự”, và cũng không quá vĩ mô ngoài tầm với. Đã có nhiều thương hiệu nhỏ với ngân sách khiêm tốt vẫn xây dựng được một nền tảng nhận diện thương hiệu thành công.
Trước tiên, hãy đọc bài viết Khi nào thì nên đầu tư xây dựng thương hiệu để biết đâu là thời điểm vàng để bạn triển khai chiến lược thương hiệu của mình.
BƯỚC 1: XÁC ĐỊNH KHÁCH HÀNG MỤC TIÊU
Cố gắng thu hút tất cả mọi người – đó là một lỗi phổ biến bạn nên tránh. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ với ngân sách dằn túi không nhiều, hãy khôn ngoan chọn đúng đối tượng mà mình muốn “thả thính”.
Khách hàng của bạn trông ra sao?
Càng nắm được nhiều thông tin về khách hàng trong tay, bạn sẽ càng cảm thấy gần gũi với họ và biết phải tiếp cận như thế nào. Thử trả lời những câu hỏi sau:
▪️ Họ là nam hay nữ?
▪️ Họ bao nhiêu tuổi?
▪️ Họ sống ở đâu?
▪️ Địa vị xã hội, thu nhập?
▪️ Thói quen và sở thích?
▪️ Họ thường mua sắm ở đâu?
▪️ Họ có sử dụng mạng xã hội không?
Bài viết 5 bước xác định và phân tích khách hàng mục tiêu sẽ giúp bạn phác họa được rõ nét đối tượng mình đang muốn “chinh phục”.
Khách hàng của bạn đang gặp phải những vấn đề gì?
Thử tưởng tượng bạn đang muốn “tán đổ” một chàng trai, cô gái nào đó, ngoài việc thấu hiểu hành vi, sở thích, đường đi nước bước của đối tượng, quan tâm và giúp đỡ những vấn đề mà họ đang gặp phải sẽ giúp bạn ghi 10 điểm tinh tế.
Phát hiện ra vấn đề khiến họ than thở khóc lóc thì cũng chưa tinh tế mấy. Bạn phải tìm ra thứ làm họ trăn trở từ sâu trong tâm thức, không nói ra, thậm chí không nhận ra, nhưng có tồn tại. Và chúng ta lại quay về câu chuyện muôn thuở: Inisght.
Tìm insight chưa bao giờ là dễ. Những doanh nghiệp “bạo vì tiền” thì sẵn sàng thuê một đội ngũ nghiên cứu thị trường hùng hậu để “đào” cho ra insight khách hàng. Doanh nghiệp nhỏ không có điều kiện thì sao? Bạn vẫn có thể tìm tốt với 8 kỹ thuật nghiên cứu thị trường ít tốn kém này.
BƯỚC 2: PHÂN TÍCH ĐỐI THỦ
Có rất nhiều các loại nước ngọt có gas, tại sao bạn lại uống Pepsi chứ không chọn Coca?
Thương hiệu là thứ làm cho bạn khác biệt với những đối thủ trên thị trường, và khiến khách hàng lựa chọn bạn chứ không phải đối thủ.
Bán đắt hơn đối thủ cũng được. Phạm vi cung cấp nhỏ hơn cũng chưa hẳn đã không hay.
Cái bạn không muốn là bị giống như mọi người.
Những thương hiệu thành công nhất có khả năng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có vị trí rõ ràng trên thị trường. Vậy, muốn mình khác biệt, phải hiểu đối thủ hiện đang như thế nào.
Đầu tiên, xác định đối thủ của bạn là ai, thu thập mọi thông tin về họ, từ website, fanpage, báo chí,…
Tiếp theo, trả lời những câu hỏi:
▪️ Chất lượng sản phẩm, dịch vụ của họ thế nào?
▪️ Giá cả ra sao?
▪️ Các kênh phân phối?
▪️ Các kênh truyền thông?
▪️ Màu sắc nào được sử dụng trong thương hiệu của họ?
▪️ Dịch vụ chăm sóc khách hàng có tốt không?
▪️ Họ đang sử dụng những nền tảng và phương tiện truyền thông xã hội nào?
▪️ Họ có sáng tạo không?
▪️ Giá trị công ty họ là gì?
Xác định được những yếu tố này sẽ giúp bạn biết nên định vị mình sao cho khác biệt. Chẳng hạn mọi người đều cung cấp sản phẩm giá rẻ thì bạn có thể định vị thương hiệu mình với những sản phẩm cao cấp.
Cũng đừng vội vàng nhảy vào chỉ vì bạn thấy có một khoảng trống. Hãy tìm hiểu xem có nguyên nhân nào khiến mọi người đều “né” khu vực đó ra.
BƯỚC 3: CHỌN TÊN THƯƠNG HIỆU
Đặt tên thương hiệu là việc bạn nghiễm nhiên phải làm. Ngay từ khi chưa có gì trong tay, chưa có cả tên, phải dựa vào chiến lược thương hiệu mà đặt tên cho phù hợp, không phải thích gì đặt nấy.
Một số nguyên tắc bạn cần nhớ khi đặt tên thương hiệu:
Phải bảo hộ được về mặt pháp lý
Nhiều doanh nghiệp không quan tâm đến việc bảo hộ tên thương hiệu, hậu quả là bị đạo nhái. Mọi chuyện sẽ còn tệ hơn nếu bên đạo nhái mang tên thương hiệu đi đăng ký bảo hộ thành công.
Tên miền có sẵn
Website lý tưởng nhất là website sử dụng tên miền theo tên thương hiệu. Vì vậy nếu tên miền mà bạn nhắm đến đã bị đăng ký mất thì bạn nên suy nghĩ lại về tên thương hiệu. Khi có tên rồi thì hãy đi đăng ký tên miền càng sớm càng tốt.
Dễ phát âm, dễ nhớ
Tên có đẹp đến đâu mà khách hàng không biết đọc thế nào hay không nhớ nổi thì cũng ngậm ngùi nhận điểm trừ. Một mẹo dành cho bạn là tên thương hiệu chứa các nguyên âm o, e, a, i thường được khách hàng yêu thích hơn. Ví dụ như Tiki, Honda, Coca Cola…
Liên quan đến sản phẩm, ngành hàng
Điều này không nhất thiết, nhưng sẽ rất lý tưởng nếu chỉ cần nói đến tên thương hiệu là người ta biết bạn kinh doanh gì. Chẳng hạn như nghe Edumall hay AIM Academy là nghĩ đến mảng giáo dục, đào tạo, TH True Milk hay Vinamilk thì rõ ràng là ngành sữa.
Khác biệt với đối thủ
Mục đích xây dựng thương hiệu là làm cho mình khác biệt với những đối thủ trên thị trường. Vì vậy, tránh đặt tên na ná tên đối thủ đã có. Nệm giá kho, Nệm giá sỉ, Nệm giá gốc… khách hàng sẽ không khỏi hoang mang và bước vào nhầm tiệm là chuyện bình thường.
Phù hợp với khách hàng mục tiêu
Tên thương hiệu tiếng Anh liệu có phù hợp với khách hàng lớn tuổi hay vùng nông thôn? Khách hàng thuộc phân khúc cao cấp có thích những cái tên bình dân?
BƯỚC 4: MUA TÊN MIỀN THƯƠNG HIỆU
Nếu như bạn chỉ cần bán hàng, thì cửa hàng hoặc fanpage Facebook là đủ. Nhưng nếu đã nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu trong thời buổi digital này thì website là thứ không thể không có.
Tùy tình hình kinh doanh mà bạn quyết định khi nào thì cần lập website. Nhưng mua tên miền là việc bạn nên xem xét sớm, vì có thể tên miền hợp với tên thương hiệu của bạn đã bị người khác “xí” trước rồi. Chi phí duy trì tên miền trong 1 năm cũng không quá đắt đỏ, nên đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.
BƯỚC 5: XÂY DỰNG TÍNH CÁCH THƯƠNG HIỆU
Đối thủ có thể bắt chước bạn từ kiểu dáng sản phẩm, bao bì hay đến cả tên thương hiệu. Nhưng khi bạn đã có một cá tính thương hiệu rõ rệt, đó sẽ là thứ làm khách hàng yêu quý, nhớ đến bạn, và khó ai có thể “đạo nhái” được.
Nhưng cá tính thương hiệu có phải là một khái niệm quá trừu tượng? Hãy tưởng tượng nếu một thương hiệu biến thành một con người, thì con người đó sẽ có độ tuổi, ngoại hình, tính tình ra sao?
Cùng là kẹo Chewing Gum, nhưng nhắc đến DoubleMint, người ta tưởng tượng về một cô gái dịu dàng, thanh lịch. Nhắc đến Big Babol thì lại nghĩ đến một cậu bé vui nhộn, tinh nghịch.
Bạn muốn thương hiệu mình nhắm đến nhóm khách hàng nào thì xây dựng tính cách phù hợp với đối tượng đó. Bình dân hay sang chảnh, nam hay nữ, già hay trẻ,…
BƯỚC 6: KỂ CÂU CHUYỆN THƯƠNG HIỆU
Ai cũng thích nghe kể chuyện, phải không?
Câu chuyện thương hiệu (hay brand story) là… câu chuyện về thương hiệu của bạn. Thì ai chẳng biết? Nhưng phải kể những gì thì ngay cả CEO nhiều khi cũng còn ấp úng.
Hãy kể về quá trình phát triển của doanh nghiệp, từ khi mới ra đời, những biến cố đã vượt qua và truyền tải một ý nghĩa nào đó. Thay vì khoe khoang hàng tá thành tích, câu chuyện thương hiệu cần ngắn gọn, gần gũi và truyền cảm hứng.
“Bạn đã nghe đến câu chuyện về một người đàn ông với người bạn thân của mình mở trụ sở đầu tiên tại garage nhà riêng? Vượt qua nhiều thử thách, đương đầu với những gã khổng lồ ngành công nghệ, thậm chí bị đuổi khỏi chính công ty mình gây dựng, rồi ông ta quay trở lại, hoàn toàn thay đổi cái cách mà con người sử dụng thiết bị di động như ngày nay.
Đúng vậy, đó chính là câu chuyện về Apple và chủ nhân của nó – Steve Jobs.”
Đừng nghĩ rằng chỉ doanh nghiệp lớn mới có những thành tựu để viết brand story. Dù chỉ là một cửa hàng nhỏ, bạn cũng sẽ tìm ra một điều thú vị nào đó để nói, để kể, để mang thương hiệu lại gần hơn với khách hàng.
Đâu phải tự nhiên mà hầu như fanpage hay website nào cũng đều có mục Our Story?
BƯỚC 7: THIẾT LẬP BỘ BRAND GUIDELINES
Brand guidelines – bộ quy tắc thương hiệu nghe có vẻ hơi “tầm cỡ” so với một thương hiệu nhỏ, nhưng lại là một phần quan trọng của bộ nhận diện thương hiệu. Nếu được làm nhất quán từ đầu, thương hiệu sẽ được nhận diện tốt hơn, còn bạn thì tiết kiệm được nhiều thời gian.
Bộ brand guidelines do mỗi thương hiệu tự thiết kế, nhưng thường bao gồm những yếu tố phổ biến như:
▪️ Tổng quan về doanh nghiệp: Lịch sử, tầm nhìn, tính cách, giá trị cốt lõi.
▪️ Thông điệp thương hiệu hoặc tuyên bố sứ mệnh.
▪️ Logo và cách sử dụng: Dùng ở đâu, size tối thiểu bao nhiêu?
▪️ Bảng màu: Lựa chọn màu sắc chính và phụ cho thương hiệu để sử dụng trong bao bì, bảng hiệu, phương tiện truyền thông… Bài viết về màu sắc logo và tính cách thương hiệu sẽ cung cấp cho bạn thêm nhiều thông tin thú vị và hữu ích.
▪️ Font chữ: Font chữ bạn dùng trong thiết kế cũng như font mặc định trên website.
▪️ Phong cách hình ảnh.
▪️ Danh thiếp và tiêu đề thư (letterhead).
Trên đây là những bước đơn giản và đầu tiên để bạn bắt tay xây dựng thương hiệu cho một doanh nghiệp nhỏ hay startup vừa thành lập. Nếu chưa có tài chính để thuê agency thiết kế bộ nhận diện thương hiệu vài chục hay vài trăm triệu, bạn hoàn toàn có thể “tự tay làm hết”, đôi khi càng đơn giản càng tốt. Miễn là nhất quán ở tất cả mọi mặt.
Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và startup chưa bao giờ hết đau đầu vì câu chuyện ngân sách. Làm sao khi vừa muốn tăng sales vừa muốn làm thương hiệu, mà túi tiền thì có hạn? Phân bổ ngân sách ra sao, đo lường hiệu quả thế nào. Bạn sẽ trả lời được sau khi học xong khóa học
- Nên đầu tư cho “Phúc lợi” hay “Tiền lương” cho Nhân viên?
- 10 Xu hướng Công nghệ Nhân sự 2024 [P2]
- Trí tuệ nhân tạo AI có phải là tương lai của tuyển dụng?
- CV của một PR Executive – nhân viên quan hệ công chúng
- Đồng Hành Cùng Doanh Nghiệp Tìm Kiếm Tài Năng Marketing
- 10 Xu hướng Công nghệ Nhân sự 2024 [P1]